Các thương vụ tiềm năng Northrop F-20 Tigershark

Mặc dù không bán được chiếc nào, F-20 đã được nhận xét đánh giá và suýt được mua bán. Nhiều nước cuối cùng đã chọn mua F-16 Fighting Falcon, nhờ vào việc nới lỏng giới hạn xuất khẩu (như trường hợp Venezuela, vốn đã định mua F-20). Đài Loan là trường hợp tương tự, khi mà dự án thầu sản xuất theo giấy phép nhượng quyền bị ngăn chặn bởi chính quyền Mỹ vì những lý do chính trị. Đài Loan đã sử dụng F-16 và phát triển chiếc AIDC F-CK-1 Ching-kuo của riêng mình. Thụy Điển là một thất bại khác, khi chiếc 'F-5S' (một phiên bản F-20 dành riêng cho Thụy Điển) bị bỏ qua để dành ưu tiên phát triển chiếc máy bay tiêm kích JAS 39 Gripen của họ. Dù sao Thụy Điển vẫn trang bị cho Gripen kiểu động cơ RM12 cải tiến từ động cơ F404 của F-20. Các thương lượng trong năm 1985 nhằm cung cấp 20 chiếc F-20 cho Không lực Hoàng gia Maroc vốn có phi đội máy bay tiêm kích quá cũ hay bị bắn rơi, nhưng việc đặt hàng bị hủy bỏ và kết thúc thương lượng. F-20 cũng được chào hàng cho Ấn Độ trong thập niên 1990.[3] Máy bay này cũng được giới thiệu cho một số nhiệm vụ tại Mỹ trong thời kỳ đó nhưng không đạt được kết quả nào (một lần nữa F-16 được chọn cho một số trong các vai trò đó).[4]

Những nỗ lực nhằm tiếp thị chiếc F-20 cho Hàn Quốc đã gây ra xì-căng-đan hối lộ đưa đến sự từ chức của Chủ tịch Northrop là Thomas V. Jones vào năm 1989 [5].